Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT), bệnh dịch tả heo châu Phi, từ đầu năm 2024 đến giữa tháng 6, cả nước đã xảy ra 468 ổ dịch tại 41 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 22.011 con heo. Trong đó, dịch bệnh trầm trọng và dai dẳng nhất tại một số tỉnh Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Nam, Quảng Ninh. Hiện nay, cả nước có 247 ổ dịch thuộc 68 huyện của 21 tỉnh chưa qua 21 ngày. So với cùng kỳ năm 2023, số ổ dịch tăng 2,4 lần, số heo phải tiêu hủy tại các ổ dịch tăng 93,7%.
Trong thời gian tới, nguy cơ bệnh dịch tả heo châu Phi tái phát và lây lan diện rộng là rất cao bởi xu hướng tái đàn ồ ạt, đặc biệt là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, các hộ trước đây đã bị dịch. Mặc dù đã có vắc xin dịch tả heo châu Phi phòng bệnh cho heo thịt, nhưng việc quan tâm, sử dụng vắc xin còn hạn chế, tỷ lệ tiêm phòng còn rất thấp.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, con giống nhập lậu chính là nguyên nhân gây ra dịch bệnh như dịch cúm gia cầm, tai xanh, lở mồm long móng, viêm da nổi cục, dịch tả heo châu Phi… từ nước ngoài vào Việt Nam, gây thiệt hại rất lớn. Bên cạnh đó, hệ thống thú y cơ sở một số nơi còn lỏng lẻo, chưa kiếm soát tốt khâu vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia súc, gia cầm.
Tại một cuộc họp về kiểm soát dịch bệnh diễn ra hồi giữa tháng 6, theo thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Việt Nam đang xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, bởi vậy, nếu tình trạng nhậu lậu không được kiểm soát tốt thì không chỉ gây ảnh hưởng đến người chăn nuôi trong nước, làm bùng phát dịch bệnh...
Vị này nhấn mạnh chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố không thể đứng ngoài cuộc, đề nghị phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa để ngăn chặn triệt để tình trang nhập lậu gia súc, gia cầm. Đồng thời, hệ thống thú y cơ sở phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát tình trang vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia súc, gia cầm.
Bộ NN&PTNT đã có văn bản gửi chủ tịch UBND các tỉnh, đề nghị phải chỉ đạo các đơn vị, đồng thời sẽ có văn bản đề nghị Bộ Công an chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông cùng phối hợp với lực lượng thú y để thực hiện nhiệm vụ.